Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Xin đề xuất cho mang thai hộ


Tại hội nghị tổng kết thi hành luật hôn nhân và gia đình năm 2000 hôm qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, mang thai hộ là một thành tựu của y học, là một tiến bộ vượt bậc để biến mơ ước không thể làm mẹ của rất nhiều phụ nữ được trở thành hiện thực. Bản chất “mang thai hộ” là hết sức nhân văn vì là sự giúp đỡ của một người phụ nữ này đối với người phụ nữ khác để sinh ra những đứa trẻ.

Có hai nhóm người nếu muốn có con thì chỉ còn cách duy nhất là mang thai hộ. Những phụ nữ có tử cung không bình thường (tử cung bị dị dạng, tử cung bị bệnh lý như u xơ hay bệnh về nội  mạc, do tai biến sản khoa trước đó phải cắt tử cung. Thứ hai là những người sức khỏe không cho phép để mang thai, như mắc bệnh tim.


Mặt khác, dưới phương diện sinh học thì đứa bé ra đời từ mang thai hộ mang gien di truyền của người phụ nữ có trứng thụ tinh chứ không phải của người mang thai. Nếu hiểu khái niệm huyết thống đồng nhất với khái niệm gien di truyền (ADN) thì quan hệ huyết thống là quan hệ giữa người phụ nữ có trứng và đứa trẻ. Mang thai hộ có thể đồng nhất khái niệm “chăm sóc” tạo điều kiện cho thai phát triển nhưng là sự chăm sóc đặc biệt không bằng tay chân mà bằng chính cơ thể của mình.

“Nếu chấp nhận việc nuôi trẻ bằng sữa của người phụ nữ khác khi người mẹ của đứa trẻ không có khả năng nuôi con bằng sữa của chính mình thì cũng nên chấp nhận việc mang thai hộ. Hai hiện tượng này gần như đồng nhất với nhau, chỉ khác ở thời điểm là trước và sau khi sinh”, phó giáo sư Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.

Hiện nay trên thế giới cũng có các quan điểm khác nhau về việc có cho phép người phụ nữ mang thai hộ hay không. Nhiều nước cấm mang thai hộ như: Pháp, Đức, Áo, Tây Ban Nha, Italia, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Trung Quốc, Nhật Bản, Philipinne, Việt Nam, Norvège, Nouvelle-Zélande... Tại Bỉ, việc mang thai hộ không bị cấm cũng không được quy định cụ thể trong luật, nhưng hợp đồng mang thai hộ thì không có giá trị pháp lý theo luật dân sự. Tuy nhiên, không ít quốc gia cho phép mang thai hộ bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản (khoa học) và đã quy định cụ thể trong Luật như: Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Phần Lan, Nam Phi, Brazin, Estonie, Equateur, Hong Kong, Ấn Độ, Iran, Nga, Salvador và Ukraine.

Ngoài Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Y tế, Bộ Lao động thương binh xã hội, lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Trị, Lào Cai, Hà Nội, Đà Nẵng… cũng cho rằng mang thai hộ là vấn đề thực tiễn, có tính thời sự nên cần được nghiên cứu và đưa vào Luật hôn nhân gia đình sửa đổi.

Theo Bộ Tư pháp, Việt Nam nghiêm cấm hành vi mang thai hộ từ trước tới nay nhằm tránh những tiêu cực đã và đang xảy ra như mang thai hộ nhằm mua bán trẻ sơ sinh bất hợp pháp, nhằm lách luật để sinh con thứ ba... Song việc nghiêm cấm này lại hạn chế mong muốn chính đáng của rất nhiều gia đình hiếm muộn, vô sinh. Ví dụ, chị gái hiếm muộn, em gái muốn mang thai hộ chị, được cả gia đình nhất trí, ủng hộ nhưng pháp luật lại nghiêm cấm. Như vậy, việc nghiêm cấm mang thai hộ đã gián tiếp ảnh hưởng đến nguyện vọng chính đáng của những người mong muốn có con.

Ông Lê Hữu Thể, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho rằng, thực tế hiện nay đã xuất hiện các vụ việc mang thai hộ và có xu hướng tăng lên. Vì pháp luật chưa điều chỉnh vấn đề này nên còn mang tính tự phát, quyền lợi của đứa trẻ trong quan hệ mang thai hộ không được pháp luật bảo vệ. Quyền và nghĩa vụ của các bên mang thai hộ cũng không được đảm bảo do không có cơ sở pháp lý để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Viện kiểm sát tối cao đề xuất, cần bổ sung quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại vào Luật hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn khi xác định một quan hệ mang thai hộ là có mục đích nhân đạo hay thương mại vì sẽ có nhiều trường hợp bên nhờ mang thai hộ có mục đích nhân đạo, còn bên nhận lại vì thương mại. Vì vậy cần quy định cụ thể những trường hợp mang thai hộ ngay trong luật, chẳng hạn như vợ chồng hợp pháp không thể sinh con theo cách tự nhiên vì sức khỏe của người vợ không đảm bảo thì có thể tiến hành thụ tinh nhân tạo rồi nhờ người khác mang thai hộ.

Ngoài ra, cần quy định chặt chẽ những vấn đề liên quan như điều kiện với người nhờ mang thai hộ (có sự đồng ý của cả vợ và chồng, có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về việc người vợ không đủ điều kiện sức khỏe để mang thai…), điều kiện đối với người mang thai hộ (có xác nhận của cơ quan y tế là có đủ sức khỏe để mang thai, được sự đồng ý của chồng nếu đã có gia đình), quyền và trách nhiệm của các bên với đứa trẻ khi chưa sinh hoặc sau khi sinh ra...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Kinh nghiệm cho bà bầu
Designed by Kinh nghiệm bà bầu
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top